Home / Blog YHCT / Kiến thức bệnh lý / Rối loạn lipid máu – Làm sao để biết mình có bệnh rối loạn mỡ máu
Rối loạn lipid máu - Làm sao để biết mình có bệnh rối loạn mỡ máu
Rối loạn lipid máu là bệnh lý về sự gia tăng bất thường của những loại chất béo có ảnh hưởng xấu cho hoạt động của cơ thể, nhất là hệ thống tim mạch (Cholesterol, Triglyceride, LDL) và sự giảm lượng chất béo có vai trò bảo vệ cơ thể, chống bệnh tật (HDL).
1. Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân do gen, có thể di truyền hay đột biến, không thể khắc phục hay thay đổi được. Tuy nhiên, các rối loạn này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng, thường phát hiện từ trước lứa tuổi thiếu niên, trong gia đình có nhiều người cùng mắc và gây ra các bệnh lý tim mạch nặng nề từ rất sớm.
Chủ yếu thường gặp là rối loạn lipid máu do nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý như: Ăn nhiều chất béo, nội tạng động vật, nghiện rượu, lối sống thụ động, hút thuốc lá…
Một số bệnh lý có thể gây tình trạng rối loạn lipid máu, trong đó có bệnh lý suy giáp, hội chứng thận hư, hội chứng Cushing, đái tháo đường, HIV… Thuốc Corticoid, ức chế miễn dịch, thuốc ngừa thai…
Nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý
2. Một số biểu hiện của rối loạn lipit máu
Thông thường rối loạn lipid máu thường âm thầm, không có biểu hiện triệu chứng, đa số bệnh nhân thường không chú ý đến. Tuy nhiên, khi bị rối loạn lipid máu, người bệnh sẽ có các biểu hiện bất thường trong cơ thể như: Vã mồ hôi, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, thở ngắn, thở dốc… Xuất hiện các nốt ban vàng dưới da, không đau, không ngứa.
Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng về tim mạch như đau thắt ngực, cảm giác đau tức, nặng ngực, cảm giác bị bóp nghẹt, đau lan ra 2 cánh tay và sau lưng. Một số người bệnh có biểu hiện của bệnh mạch máu ngoại vi, đầu ngón tay, ngón chân hay tê bì, đau buốt.
Ngoài ra, người bệnh sau khi ăn uống thường bị đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu… do gan, tụy bị ảnh hưởng bởi lipid máu tăng cao trong thời gian dài.
Bệnh rối loạn lipid máu thường gặp trong bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung, nên có thể gặp ở những bệnh nhân có đái tháo đường từ trước.
Để phát hiện rối loạn lipid máu, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm lipid máu sau khi nhịn đói 8 – 12 giờ. Vì vậy, nên xét nghiệm lipid máu định kỳ cho những người trên 45 tuổi. Kiểm tra lipid máu cho những người có tuổi trẻ hơn, nếu như người đó có các yếu tố nguy cơ khác như: Tiền sử có người ruột thịt trong gia đình bị bệnh động mạch vành, hoặc người đó bị tăng huyết áp hay hút thuốc lá.
Lượng lipid trong máu phụ thuộc vào tuổi, giới tính, mức độ nguy cơ mắc bệnh động mạch vành của người bệnh. Trẻ em thường không cần kiểm tra lượng lipid máu, trừ khi bị bệnh đái tháo đường hoặc béo phì…
3. Chẩn đoán rối loạn lipit máu
Rối loạn lipid máu được xác định bằng cách xét nghiệm máu
– Cholesterol toàn phần ≥ 240 mg/dL (6,2 mmol/L) là tăng cholesterol toàn phần. Ở mức 200 -230 mg/dL (5.1 -6.2 mmol/ l) là giới hạn cao cần chú ý điều chỉnh để không bị tăng cholesterol toàn phần
– HDL Cholesterol (thường được gọi là mỡ tốt) < 40 mg/dL(1,0 mmol/L) (nam giới) và < 50 mg/dL(1,3 mmol/L) (nữ giới) là giới hạn HDL cholesterol thấp. Đây là một trong các nguy cơ chính của các bệnh tim mạch.
– LDL Cholesterol (thường được gọi là mỡ xấu) >4,1 – 4,9 mmol/L là tăng LDL-cholesterol, mức >4,9 mmol/L là tăng cao.
– Triglyceride >2,2 – 5,6 mmol/L là mức tăng cao; ≥ 5,6 mmol/ L là mức tăng rất cao
4. Biến chứng nguy hiểm của rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu nếu không được phát hiện, kiểm soát và điều trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Khi mắc rối loạn lipid máu có thể dẫn tới quá trình xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng động mạch. Lượng máu không đủ cung cấp cho tim và não – hai cơ quan quan trọng của cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…
Song song là các mảng xơ vữa gây ra do rối loạn lipid máu, khiến mạch máu bị thu nhỏ lại, thành mạch bị xơ vữa, không đàn hồi. Vì vậy, lượng máu lưu thông chảy qua sẽ khó khăn, đòi hỏi tim phải tăng co bóp, dẫn tới huyết áp tăng cao.
Ngoài ra, rối loạn lipid máu còn gây ra các biến chứng như gan nhiễm mỡ, béo phì, hội chứng chuyển hoá, làm tăng nguy cơ bệnh lý đái tháo đường…
Rối loạn lipid máu có thể dẫn tới quá trình xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng động mạch.