Điều trị thoái hóa cột sống bằng phương pháp dưỡng sinh.

ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA CỘT SỐNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH

Thoái hóa cột sống là bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, do cột sống phải chịu đựng nhiều các tải trọng xảy ra liên tục. Bệnh thường tiến triển chậm, biểu hiện ở sự tăng dần các triệu chứng: đau, cứng cột sống và hạn chế vận động. Thoái hóa cột sống cổ thường kèm theo : nhức đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, tê tay…

Điều trị nội khoa thường dùng các thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ mang lại hiệu quả đáng kể, nhưng việc điều trị với các thuốc kháng viêm giảm đau kéo dài, người bệnh phải chịu những tác dụng phụ của thuốc rất nặng nề. Tập luyện dưỡng sinh trong điều trị đau mạn tính do thoái hóa cột sống đem lại những hiệu quả và lợi ích thiết thực.

Dưới đây là một số động tác dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng rất hữu ích trong điều trị thoái hóa cột sống.

1.Động tác ƯỠN CỔ

Chuẩn bị: Nằm ngửa thẳng, hai tay xuôi, lấy điểm tựa là xương chẩm và mông, ưỡn cổ và vai lên.

Động tác: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản bằng cách hít thêm, đồng thời giao động vai qua lại 2-4 lần, thở ra triệt để ép bụng, nghỉ, làm lại 3 lần. Hạ vai xuống.

Tác dụng:Tập cột sống và cơ vùng cổ.Khí huyết lưu thông vùng cổ, lưng trên.

2. Ðộng tác ƯỠN MÔNG

Chuẩn bị: Lấy điểm tựa ở lưng trên và 2 gót chân.

Ðộng tác: Ưỡn mông làm cho thắt lưng, mông và chân đều hổng giường, đồng thời hít vô tối đa; giữ hơi và dao động qua lại, mỗi lần dao động cố gắng hít vô thêm, dao động từ 2 – 6 cái; thở ra và ép bụng thật mạnh, đuổi hơi ra triệt để. Thở và dao động;  như thế từ 1 – 3 hơi thở.

Tác dụng: Co thắt các cơ thắt lưng, mông và phía sau 2 chân làm cho ấm vùng ấy; trị đau lưng, đau thần kinh toạ và thấp khớp; làm đổ mồ hôi, trị cảm cúm.

3. Động tác RẮN HỔ MANG

Chuẩn bị: Nằm sấp, hai tay chống ngang thắt lưng (hoặc ngang ngực), ngón tay hướng ra ngoài.

Chống tay thẳng lên, ưỡn lưng, ưỡn đầu ra sau.

Động tác: Hít vào tối đa. Giữ hơi, mở thanh quản (bằng cách hít thêm) giao động đầu theo chiều trước sau 2-6 cái. Thở ra triệt để, quay cổ qua bên trái, nhìn gót chân bên kia. Lần hai: Hít vô tối đa. Giữ hơi, giao động vai qua lại 2-4 cái; Quay sang bên kia, thở ra triệt để. Làm 1-3 lần.

Có thể giao động cách 2: quay cổ nhìn gót chân bên trái, rồi bên phải, mỗi bên 2 lần.

Tác dụng: Vận động các cơ ở lưng, cổ. Làm lưu thông khí huyết vùng lưng cổ.

4. Động tác CHIẾC TÀU

Chuẩn bị: Nằm sấp, hai tay xuôi, bàn tay nắm lại.

 Động tác: Cất đầu và chân lên (chân thẳng) hai tay kéo ra phía sau tối đa đồng thời hít vào tối đa; Giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm) giao động nghiêng thân mình qua trái, qua phải, vai chạm giường 2-6 cái. Thở ra triệt để, có ép bụng. Làm 1-3 lần.

Tác dụng: Khí huyết lưu thông lên xuống dài theo cột sống tác động đến thần kinh giao cảm, cơ sau thân rất mạnh, làm ra mồ hôi. Phòng và chữa đau lưng, gù lưng, hen suyễn.

5. Động tác VẶN CỘT SỐNG

Chuẩn bị: Nằm nghiêng bên trái, co đùi chân phải, bàn chân phải để trước đầu gối chân trái, tay trái đè đầu gối chân phải chạm giường, gập gối chân trái ra phía sau, bàn tay phải nắm bàn chân trái đè xuống chạm giường càng tốt; đầu, vai ngả ra sau.

Động tác: Hít vào tối đa. Trong thời giữ hơi giao động đầu qua lại từ 2 -6 cái, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, thở ra triệt để có ép bụng. Làm 1-3 hơi thở rồi đổi bên.

Tác dụng: Xoa bóp nội tạng, khí huyết lưu thông mạnh vùng thắt lưng và cổ. Chữa đau lưng,đau dây thần kinh tọa.

6. Động tác CHÀO MẶT TRỜI

Chuẩn bị: Quỳ một chân (chân trái trước), mông ngồi trên gót chân, bàn chân duỗi; chân kia duỗi ra phía sau. Hai tay chống hờ xuống giường hai bên đầu gối

Động tác: Đưa hai tay lên trời, hai tay thẳng, hai cánh tay ngang với hai tai, thân ưỡn ra sau tối đa, hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm) đồng thời giao động thân trước sau 2-6 cái, hạ tay xuống chống giường thở ra triệt để có ép bụng. Làm 1-2 lần, rồi đổi bên.

Tác dụng: Vận động các khớp xương sống và cơ sau thân. Nhất là vùng thắt lưng. Lưu thông khí huyết vùng lưng, thắt lưng.

Mỗi động tác làm 1- 3 lần tùy sức, ngày tập 2 lượt sáng chiều. Trong các trường hợp bệnh cấp, đau nhiều thì không nên tập, chủ yếu là nghỉ ngơi, xoa bóp nhẹ nhàng. Chỉ tập khi đã giảm đau.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *