Y Học Cổ Truyền HCM

Lao cột sống (mục xương sống): Nguyên nhân và cách điều trị

Lao cột sống (mục xương sống): Nguyên nhân và cách điều trị

Lao cột sống là tình trạng bệnh lý lao ngoài phổi khá ít gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây mất vận động và để lại những biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh lao cột sống là gì?

Bệnh lao cột sống (mục xương sống) là tình trạng bệnh lý lao ngoài phổi ảnh hưởng đến hệ vận động, nguy hiểm và cần được điều trị sớm. Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis xâm nhập vào vùng đĩa đệm và cột sống, liên tục sinh sản, ăn mòn thân đốt sống dẫn đến mục và gãy đốt sống.

Bệnh lao cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến nhất ở độ tuổi từ 21 – 30 tuổi và 41 – 50 tuổi.

Những vùng đốt sống dễ bị vi khuẩn lao tấn công:

  • 96% là vùng thắt lưng và vùng ngực.
  • Khu vực cột sống ngực khoảng xấp xỉ 80%.
  • Vùng có tỷ lệ nhiễm lao thấp nhất là đốt sống cổ.
lao cot song

2. Dịch tễ của bệnh lao cột sống

Thế giới nói chung có gần 30 triệu người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, có tới 3/4 dân số thế giới sống ở khu vực Đông bán cầu với điều kiện xã hội thiếu thốn, nghèo nàn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao sinh sôi và bệnh lao phát triển.

Ngoài ra, hiện tượng di cư toàn cầu cũng góp phần vào sự bùng phát của bệnh lao ngay cả ở các nước phát triển. 

Trong số tất cả các bệnh nhân mắc bệnh lao, tỷ lệ mắc lao ngoài phổi (EPTB) là 3% và 10% trong đó là trường hợp lao xương. Lao cột sống là dạng phổ biến nhất của bệnh lao xương chiếm khoảng 50%. 

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân

Vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis là trực khuẩn phát triển chậm và hiếu khí. Chúng thường xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, có thể ngủ yên trong thời gian dài và khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ nhân lên nhanh chóng sau mỗi 15 đến 20 giờ. 

Sự nhân lên của vi khuẩn dẫn đến tổn thương phổi và thông qua sự vận chuyển của máu hoặc bạch huyết, vi khuẩn có thể di chuyển và tấn công các bộ phận khác trong cơ thể. Cột sống thuộc hệ xương khớp là một trong những bộ phận dễ bị vi khuẩn lao tấn công.

Bên cạnh đó, bệnh lao cột sống có thể lây truyền qua 3 đường chính:

  • Lây nhiễm thông qua việc trực tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh lao.
  • Lây nhiễm vi khuẩn qua các vết trầy xước da, vết thương hở.
  • Lây nhiễm từ mẹ sang con bẩm sinh.

Đối tượng có nguy cơ mắc lao cột sống

Những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc lao cột sống:

  • Có bệnh sử mắc lao phổi hoặc lao xương;
  • Tiếp xúc kéo dài với bệnh nhân bị nhiễm bệnh lao.
  • Mắc tình trạng suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS lạm dụng rượu, ma túy, bệnh lý mạn tính.
  • Sử dụng thuốc điều trị ung thư hoặc corticoid.
  • Nam có tỷ lệ mắc lao xương cao hơn ở nữ.
benh lao lay truyen nhu the nao

4. Triệu chứng

Bệnh nhân bị bệnh lao cột sống có triệu chứng xuất hiện rất chậm và thường biểu hiện khi trở nặng như:

  • Sốt nhẹ về chiều, chán ăn, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi, giảm cân trầm trọng.
  • Đau xung quanh khu vực đốt sống bị tổn thương âm ỉ ban đầu nhưng nặng dần về chiều và đêm. Khi cột sống thắt lưng bị ăn mòn nặng, các cơn đau dữ dội lan theo rễ thần kinh bị chèn ép gây khó khăn trong vận động hoặc co giật một hay hai chân.
  • Tay chân bị teo nhỏ lại, nhất là vùng trước ngoài cẳng chân hay bắp chuối chân kèm theo các biểu hiện chậm hơn là liệt vận động hai chân do chèn ép tuỷ sống.
  • Rối loạn biến dưỡng da, lông, móng xuất hiện khi hai chân có dấu hiệu bị chèn ép rễ thần kinh.
  • Khi vi khuẩn phát triển, chui qua dây chằng bẹn, xuống đùi hình thành áp xe. Khi áp xe dưới da quá lớn sẽ vỡ dẫn đến hiện tượng rò mủ dưới da gây đau nhức.
  • Lao cột sống ngực thấp dẫn đến chèn ép, máu lưu thông yếu và gây mất vận động hai chân.

5. Biến chứng nguy hiểm

Nếu lao cột sống không được điều trị sớm và kịp thời có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng:

  • Tình trạng viêm, áp xe,… trở nặng và gây chèn ép thần kinh xung quanh đốt sống dẫn đến yếu, thậm chí liệt hai chân hoặc tứ chi, rối loạn cảm giác vùng chậu khiến đại tiểu tiện không tự chủ…
  • Gây biến dạng hoặc gù nhọn, mất ổn định cột sống.
  • Tăng nguy cơ bị gãy xương, nhất là khu vực cột sống cổ.
  • Khó khăn trong việc ăn uống.
  • Khàn tiếng, có thể gây suy hô hấp.
  • Bệnh lao hệ thống, lao tái phát, lao kháng thuốc khi không quản lý chặt chẽ và tuân thủ các nguyên tắc điều trị.

6. Cách chẩn đoán

Lâm sàng

Các triệu chứng của lao xương và nhiễm trùng khớp không đặc hiệu nên bác sĩ có thể kiểm tra lâm sàng thông qua:

  • Vị trí tổn thương thường là khu vực đĩa đệm giữa hai đốt sống liền kề.
  • Đau, hạn chế vận động tại đốt sống tổn thương, lồi gai sống hoặc biến dạng cột sống.
  • Các triệu chứng toàn thân thường gặp như sốt về chiều, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, thiếu máu, đổ mồ hôi trộm…

Hình ảnh học

Bác sĩ có thể phát hiện tình trạng viêm đĩa đệm đốt sống do lao, hẹp khe liên đốt, phá hủy thân đốt sống, mức độ áp xe hoặc những tổn thương khối cơ do áp xe thông qua những xét nghiệm hình ảnh:

  • X-quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Siêu âm

Xét nghiệm

Các xét nghiệm cũng có thể được chỉ định như:

  • Bilan viêm sinh học nhằm kiểm tra tốc độ máu lắng (ESR) và số lượng bạch cầu lympho. Thông thường lao cột sống dẫn đến tăng tế bào lympho tương đối, huyết sắc tố thấp và tốc độ máu lắng tăng.
  • Sinh thiết đốt sống đĩa đệm bị tổn thương dưới CT để có thể soi, xét nghiệm giải phẫu bệnh, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao và PCR lao.

Chẩn đoán nguyên nhân

Để tìm ra nguyên nhân và nhằm kiểm soát bệnh lao, bác sĩ cũng có thể chỉ định những xét nghiệm cốt lõi gồm:

  • Nuôi cấy vi khuẩn có trong bệnh phẩm lấy tại đốt sống tổn thương nhằm cung cấp độ nhạy cảm với kháng sinh để hướng dẫn điều trị, giúp phát hiện vi sinh vật. 
  • Phương pháp PCR giúp phát hiện được vi khuẩn lao với độ đặc hiệu ở mức 98% và độ nhạy ít nhất là 80%. 
  • Mô bệnh học giúp phát hiện được tổn thương viêm do lao.

Bên cạnh đó, để phát hiện bằng chứng nhiễm lao tại các cơ quan khác như lao màng phổi, lao phổi, lao hạch cần:

  • Chụp phim phổi.
  • Tìm vi khuẩn trong đờm hoặc trong dịch phế quản.
  • Hạch đồ hoặc sinh thiết hạch dọc ức đòn chũm (nếu có).
  • AFB đàm dương tính trong trường hợp lao phổi phối hợp.
  • Phản ứng Mantoux dương tính trong 90% số bệnh nhân hỗ trợ chẩn đoán, định hướng các thăm dò khác.
  • ELISA huyết thanh giúp xác định kháng thể kháng vi khuẩn lao trong huyết thanh.

Chẩn đoán phân biệt

Bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt dựa trên những đặc điểm lâm sàng cũng như mô bệnh học. Từ đó có thể phân biệt tình trạng lao cột sống với viêm đốt sống đĩa đệm do vi khuẩn sinh mủ.

phim MRI lao cột sống

Hình ảnh MRI cột sống thắt lưng – Lao sột sống

7. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Hãy nên đến khám với bác sĩ để nhận được sự tư vấn và điều trị khi xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Xuất hiện cơn đau ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống và tình trạng đau không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng hơn.
  • Có cảm giác tay chân tê hoặc yếu.
  • Gặp khó khăn trong quá trình vận động tại khu vực bị đau nhức.
  • Sốt nhẹ về chiều, chán ăn, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi, giảm cân trầm trọng.

Nơi khám chữa lao cột sống

Đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời:

  • Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. HCM, Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch.
  • Hà Nội: Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

8. Các phương pháp chữa lao cột sống

Bệnh lao cột sống có thể chữa trị và người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối vào phác đồ điều trị cũng như việc sử dụng thuốc đúng theo chỉ định bác sĩ.

Phương pháp không dùng thuốc:

  • Nằm bất động cột sống trong suốt thời gian tiến triển của bệnh, khoảng 3 – 4 tháng sau đó tăng vận động, tập thể dục dần để duy trì chức năng cột sống, tránh teo cơ, cứng khớp.
  • Trường hợp chẩn đoán sớm, tổn thương nhẹ cần tránh các vận động, mang vác nặng, nằm nhiều nhưng không cần cố định bằng bột, đeo đai lưng khi ngồi, đi lại. Nếu xuất hiện tình trạng đốt sống tổn thương nặng cần cố định bằng máng bột.

Sử dụng thuốc chống lao để điều trị nguyên nhân (hóa trị) là phương pháp điều trị chính:

  • Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc điều trị chống lao hiện nay gồm 5 loại hiệu quả nhất và ít độc nhất: isoniazid (INH), rifampicin (RIF), ethambutol (EMB), pyrazinamide (PZA) và streptomycin.
  • Các loại thuốc chống lao hàng thứ hai khác gồm kanamycin, capreomycin, amikacin thường được chỉ định khi có sự đề kháng hoặc kém dung nạp với thuốc hàng đầu.
  • Việc sử dụng các loại thuốc cần được theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc đúng liều, đúng giờ và đúng nguyên tắc trong 6 tháng để ngăn chặn sự xuất hiện của tình trạng kháng thuốc.
  • Kết hợp thuốc giảm đau paracetamol, chống viêm không steroid như Meloxicam,…. hoặc thuốc giãn cơ nếu cần. Bổ sung vitamin, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Điều trị ngoại khoa phẫu thuật lao cột sống được chỉ định nhằm dẫn lưu áp xe, cắt bỏ các mô bị nhiễm trùng, ổn định đốt sống và chỉnh sửa biến dạng khi:

    • Lao cột sống đã có dấu hiệu phá huỷ đốt sống nhiều, ép tủy.
    • Suy giảm thần kinh cấp tính, liệt hai chi hoặc tứ chi.
    • Biến dạng cột sống với sự mất ổn định hoặc đau đớn.
    • Không đáp ứng với điều trị hóa trị nội khoa bằng thuốc.
    • Áp xe cạnh sống lớn chèn ép các bộ phận.

9. Phòng ngừa lao cột sống

  • Tiêm vaccin BCG phòng bệnh lao cho trẻ từ khi còn nhỏ.
  • Nâng cao miễn dịch của cơ thể, kiểm soát và điều trị triệt để các bệnh mạn tính.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Nghỉ ngơi, nâng cao việc tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh lao. Khi yêu cầu cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng.
  • Những người trong gia đình có bệnh nhân lao cần kiểm tra nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe, phát hiện nếu mắc bệnh lao kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.
  • Khi mắc bệnh lao cột sống cần đến thăm khám định kỳ và tiến hành điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
CREATOR: gd jpeg v (using IJG JPEG v), quality =

Tiêm vaccin BCG phòng bệnh lao cho trẻ từ khi còn nhỏ

Scroll to Top
SAMPLE TITLE
sample short
sample heading lorem isump
FREE WHITEPAPER
Unlock the power of knowledge with our new whitepaper
“Elevating User Experience for Product Owners”