Case điều trị: Viêm quanh khớp vai ( Thể đông cứng )
Bệnh lý
Thủ thuật đã áp dụng
Giới thiệu
Bệnh nhân đau vai (P) hơn 04 tháng, đã đi khám và được chẩn đoán: VIÊM QUANH KHỚP VAI ( Thể đông cứng ), được cấp toa thuốc uống và hướng dẫn các bài tập VLTL tại nhà. Tuy nhiên do bệnh nhân sợ đau nên kết quả tự tập không hiệu quả, tình trạng ngày càng nặng. Nên bệnh nhân đã đến phòng khám để được điều trị tiếp tục.
I. Hành chánh & Bệnh sử
Hành chính :
- Họ & tên: Nguyễn T T
- Tuổi: 58T
- Giới tính: Nữ
Bệnh sử:
Bệnh bắt đầu từ 04 tháng trước, tự nhiên bệnh nhân thấy khớp vai (P) đau âm ỉ không kèm chấn thương, vai đau tăng khi vận động, nghỉ ngơi giảm đau. Bệnh nhân đã tự uống thuốc mua ở nhà thuốc tây 02 tháng thì có giảm đau, tuy nhiên vai (P) vẫn đau khi cử động nên bệnh nhân đã không vận động để tránh đau.
Đến khoảng 02 tháng trước bệnh nhân lên BV ĐHYD HCM khám với tình trạng cứng khớp vai (P), không thể thực hiện các động tác sinh hoạt do đau. Tại đó, bệnh nhân được chẩn đoán: VIÊM QUANH KHỚP VAI ( Thể đông cứng ), được cấp toa thuốc uống và hướng dẫn các bài tập VLTL tại nhà. Tuy nhiên do bệnh nhân sợ đau nên kết quả tự tập không hiệu quả, tình trạng ngày càng nặng. Nên bệnh nhân đã đến phòng khám để được điều trị tiếp tục.
Tình trạng của bệnh nhân khi đến phòng khám: Đau nhiều vai (P) khi vận động. Giới hạn tầm vận động xoay ngoài, xoay trong, dạng – khép, gấp – duỗi. Ngoài ra, bệnh nhân còn đau mỏi vai gáy, ngủ kém, ăn uống kém.
- Tiền căn: THCS cổ, Viêm quanh khớp vai (P), Mãn kinh, THA, VLDDT-Tr
II. Khám & Chẩn đoán
Khám bệnh
Theo Tây y:
- Khớp vai không sưng nóng đỏ, cơ không teo, ấn đau mỏm cùng vai, mỏm quạ. Giới hạn tầm vận động khớp: Gấp 150°, Duỗi 45°, Dạng 145°, Xoay ngoài 30°, Xoay trong 30°.
- Cột sống thẳng không gù vẹo. Cơ cạnh sống C3-C6 ( 2 bên ) co cứng. Ấn đau cơ ức đòn chủm, cơ thang 2 bên. Dấu ấn chuông (-)
Theo Đông y:
- Còn thần. Sắc nhuận. Lưỡi bệu nhạt, rìa lưỡi có dấu răng, rêu lưỡi vàng mỏng
- Tiếng to rõ
- Bệnh nhân sợ nóng, thích mát. Đổ mồ hôi trộm. Đau vai (P) vận động giới hạn, ngoài ra còn đau mỏi vai gáy, thỉnh thoảng đau lưng, đau đầu chóng mặt. Ăn uống không ngon miệng, hay ợ hơi ợ chua, bụng đầy chướng, ngủ kém. Tiểu vàng, tiêu bón.
- Tay chân lạnh ẩm hồ hôi. Mạch phù khẩn.
Chẩn đoán
Theo YHHĐ: Viêm quanh khớp vai thể đông cứng, THCS cổ, THA, VLDDT-Tr
Theo YHCT:
- Bệnh danh: Chứng tý-Huyễn vựng-Vị quản thốn
- Thể lâm sàng: Can thận âm hư
- Bát cương: Lý hư nhiệt
III. Biện chứng luận trị
Bệnh nhân lớn tuổi thiên quý suy, chức năng tạng phủ khuy tổn đặc biệt là 2 tạng can thận, thận chủ cốt tuỷ sinh tinh huyết, can chủ cân, mà can thận đồng nguyên => Khi tinh huyết hao tổn thì cân mạch mất nuôi dưỡng mà thành bệnh.
Ngoài ra can thận âm tinh hao tổn suy nhược không sinh được tủy, làm tủy hải bất túc mà sinh bệnh (Huyễn vựng)
Bệnh nhân lo nghĩ thái quá thời gian dài => làm tổn thương đến can, can không sơ thông, hoành nghịch phạm vị làm cho vị mất chức năng hoà giáng gây bệnh ( Vị quản thống )
IV. Phác đồ điều trị & Kết quả
Phác đồ điều trị: 06 Tuần
Pháp trị: Tư âm bổ can thận
- Điện châm: Mỗi ngày 01 lần lưu kim 20 phút (Tại phòng khám)
- Xông hồng ngoại ngải cứu: Mỗi ngày 01 lần (Tại phòng khám)
- Tập vận động: Mỗi ngày 02 lần ( Tại pk và về nhà )
- Kết hợp dùng thuốc YHCT: Lục vị địa hoàng + Bình vị đan
- Cấy chỉ: 02 Tuần cấy lại 01 lần
Kết quả đạt được:
Sau 06 tuần kiên trì luyện tập vận động kết hợp châm cứu, cấy chỉ thì khớp vai của bệnh nhân đã có để vận động hết tầm, còn đau ít. Cổ vai và thắt lưng giảm đau, ăn uống khá, ngủ khá, không ợ hơi, ợ chua đầy bụng.
Để duy trì kết quả điều trị bệnh nhân phải tự tập luyện các bài tập vận động tại nhà mỗi ngày 1-2 lần và làm việc, sinh hoạt, vận động vừa sức cũng như nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý.
V. Câu chuyện điều trị
Khó khăn gặp phải trên case bệnh này: Bệnh nhân sợ đau, sợ kim.
Hướng giải quyết nào cho bệnh nhân: Tập chậm từ từ từng nấc, động viên bệnh nhân châm cứu, cấy chỉ ( Phác đồ tối giản ít kim ). Kết hợp dùng thuốc và ăn uống điều độ.
Kết quả thu được: Sau 06 tuần điều trị với sự kiên trì cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị và tinh thần lạc quan của bệnh nhân thì bệnh đã phục hồi 90% . Tuy nhiên, để tránh sau này có thể bị lại thì bệnh nhân vẫn cần tập vận động mỗi ngày 30p. Duy trì thói quen ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ. Uống thuốc theo toa và tái khám định kỳ.